Theo ông Bạch Đăng Khoa - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, một số lượng lớn cán bộ, giáo viên trong các khâu của kỳ thi đang phải cách ly nên nhân sự chuẩn bị cho kỳ thi bị thiếu hụt. Đó là chưa kể hàng ngàn học sinh là F0, F1, F2, F3 đang bị ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và đến thời điểm thi có học sinh vẫn còn trong khu cách ly, phong tỏa.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
"Chúng tôi cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó ở các địa phương là điểm nóng, cần có đợt thi riêng cho đối tượng học sinh đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa" - ông Khoa cho biết.
Hà Nội là nơi có số lượng thí sinh đông nhất cả nước với 101.300 thí sinh đăng ký dự thi (tăng khoảng 22.000 so với năm 2020). Dự kiến Hà Nội có 193 điểm thi với trên 4.200 phòng thi. Tới thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị cho kỳ thi vẫn đang được tiến hành.
Ông Phạm Văn Đại - phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết đang chờ phương án của Bộ GD-ĐT để có đề xuất với UBND thành phố về các phương án tổ chức kỳ thi này.
Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT Bắc Ninh, Hưng Yên, các tỉnh này vẫn đang phải chuẩn bị cả hai phương án thi nhiều đợt và thi một đợt nhưng có khu cách ly, phòng cách ly trong các điểm thi.
Theo ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - đã có thực tế tổ chức đợt thi thứ hai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Vì thế hiện bộ vẫn xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tổ chức nhiều đợt thi.
Trường hợp số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch (F1, F2, F3, thí sinh ở trong vùng bị phong tỏa) nhiều thì bộ sẽ xem xét đến phương án tổ chức đợt thi thứ hai cho đối tượng này. Nếu số thí sinh trong diện trên không nhiều thì có thể tính toán phương án thi một đợt nhưng có khu vực/phòng thi cách ly cho thí sinh trong diện F1, F2, F3.
Thí sinh có thể mặc đồ phòng hộ để đi thi.
Nguồn: Vĩnh Hà – Báo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn