Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mặt tại Việt Nam trong khoảng 30 năm trở lại đây với tốc độ phát triển vô cùng ấn tượng, lên đến 35-40%. Hiện tại, có hơn 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này và con số này dự đoán sẽ càng tăng chóng mặt trong thời gian sắp tới. Theo Hiệp hội doanh nghiệp và dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm.
Thực tế, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 2 năm 2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về Logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.
Thống kê của Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam thì trong 3 năm tới, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cần thêm khoảng 20.000 lao động, chưa tính các doanh nghiệp hoạt động khác ngành.

1. Ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng học những gì?
Theo học ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, sinh viên có đủ hành trang cho phát triển sự nghiệp, đặc biệt mở ra thiên đường cho khởi nghiệp sáng tạo. Sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu nhằm đưa ra chiến lược thích hợp nhằm phân phối sản phẩm đến tất cả các khách hàng trong nước và trên thế giới một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Nó bao gồm hệ thống kiến thức về chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống kho bãi và điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải như đường bộ, đường sắt, đường biển, và đường hàng không; kiến thức bổ trợ về marketing quốc tế, tài chính – kế toán trong vận tải đa phương thức; Đồng thời, kết thúc khóa học, sinh viên có kỹ năng phân luồng khách hàng, xây dựng kế hoạch giao nhận từ điểm khởi đầu tới điểm tiêu dụng cuối cùng một cách hiệu quả thông qua thực hành nghiệp vụ giao nhận và vận tải đa phương thức.
Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị “hành trang” kỹ năng chuyên môn quan trọng như kỹ năng tính toán, kỹ năng phân tích thị trường và xây dựng chiến lược, kỹ năng sử dụng tiếng Anh và công nghệ thông tin… cùng các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm…
2. Học ngành Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng ra trường làm gì?
Nhân viên quản trị kinh doanh dịch vụ vận tải, kinh doanh xuất nhập khẩu, chăm sóc khách hàng trong các công ty dịch vụ Logistics.
Chuyên viên điều phối dịch vụ Logistics, điều phối đơn hàng, phương tiện vận chuyển, quản lý kho bãi, quản lý vận chuyển, giám sát đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các công ty sản xuất, kinh doanh.
Khởi nghiệp sáng tạo và làm chủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương; Giảng viên, nghiên cứu viên về lĩnh vực Logistics tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu.
Ban Biên tập